Biết khôn thì sự đã rồi. Trẻ con không vâng lời người trên thì không bao giờ sung sướng. Ông bố mình chắc là trông đợi mình lắm. Lúc về nhà nàng tiên không biết mình có gặp được ông bố mình không? Đã lâu ngày vắng mặt, ông bố mình không được mình vuốt ve, hôn hít! Còn nàng tiên không biết có tha thứ cho mình không? Nàng đã chăm nom săn sóc mình biết bao! Mình còn sống sót được đến ngày này cũng chính là nhờ nàng.
Nghĩ đến đó, bỗng nó hoảng kinh , nhảy lùi lại bốn bước. Nó đã trông thấy gì? Một con rắn lớn bò ngang qua đường, một con rắn da xanh, mắt như lửa, đuôi nhọn và phun lửa phì phì như ống khói.
Nỗi run sợ của Bích nô cô không sao xiết tả. Nó tránh xa hơn năm trăm thước, ngồi lên trên một đống đá, chờ cho rắn đi qua để rảnh đường mà đi.
Nhưng nó đợi đã một tiếng đồng hồ, hai tiếng, ba tiếng, con Rắn vẫn nằm lỳ ở đó.
Từ xa Bích nô cô vẫn thấy cặp mắt đỏ và làn khói từ cái đuôi nhọn phun lên!
Nhưng muốn cho chóng. Bích nô cô tưởng mình can đãm lắm. Nó đi đến chỉ còn cách con Rắn có năm bước, nói một giọng nhỏ nhẹ dịu dàng:
- Thưa ông Rắn, xin lỗi ông! Ông làm ơn xích sang bên kia một chút để tôi đi.
Nó nói như là nói với một bức tường. Con vật vẫn không nhúc nhích.
Bích nô cô lại vẫn cái giọng nhỏ nhẹ ấy:
- Thưa ông Rắn, xin lỗi ông! Ông làm ơn xích một chút cho tôi đi, tôi xin nói để ông hay rằng tôi phải về nhà kẻo bố tôi trông đợi, vì bố tôi vắng tôi đã lâu ngày rồi! Xin ông cho phép tôi theo con đường này mà đi.
Van xin xong, nó chờ đợi một dấu hiệu gì của con rắn trả lời cho nó, nhưng dấu hiệu ấy vẫn không thấy.
Trái lại Rắn ta trước kia có vẻ hoạt động, thì nay lại không nhúc nhích và cứng đờ ra, mắt nhắm lại, đuôi không còn phun lửa nữa.
Bích nô cô nghiệm rằng:
- Có lẽ Rắn chết rồi.
Nó xoa hai tay vào nhau ra bộ thích chí lắm. Không để mất thì giờ, nó lấy chân đẩy con Rắn để đi, nhưng vừa đưa chân ra thì Rắn vùng dậy như cái lò xo nổi bật lên.
Bích nô cô sợ quáchạy lùi lại, nó vấp ngã xuống. Nó ngã thế nào không biết mà đầu thì cắm vào bùn còn hai chân chổng dựng lên trời.
Trông thấy một con người gỗ dãy dụa lia lịa mà đầu thì trút xuống. Rắn bật cười. Nó cười quá đến nổi vỡ các mạch máu và lần này thì Rắn chết thật.
Bích nô cô lại tiếp tục chạy để về nhà trước lúc trời tối. Nhưng trong lúc ấy, bụng nó đói quá không thể chịu đựng được, nó chạy xuống ruộng nho để hái ăn.
Nó không xuống ruộng nho có phải hơn không. Vì nó vừa mới lủi xuống thì chân bỗng bị hai miết sắt kẹp lại đau đến đổ đom đóm mắt.
Bích nô cô vừa bị mắc bẫy, thứ bẫy người ta đặt để bắt những con chồn lớn đã gieo họa cho những chuồng gà trong các vùng lân cận.
Chương 21
Bích nô cô bị một bác nhà quê tóm được, và bắt nó làm chó để giữ chuồng gà.
Bích nô cô la khóc, cầu trời khẩn Phật, nhưng những giọt nước mắt, những tiếng rên la đều vô hiệu. Chung quanh không có lấy một người qua lại.
Đêm đến, phần vì cái bẫy siết mạnh lấy chân, phần nỗi lo sợ một thân một mình giữa cánh đồng rộng, khiến nó mất cả can đảm suýt ngất đi.
Bỗng nó thấy một con đom đóm bay ngang qua đầu. Nó gọi lại và nói:
- Đom đóm ơi! Hãy làm phúc cứu tôi với!
Đom đóm đáp:
- Tội nghiệp cho ngươi chưa! Sao ngươi lại để cho sa chân vào bẫy sắt thế?
- Chỉ vì tôi vào cánh đồng này để hái mấy trái chùm nho.
- Nho ấy của ngươi à?
- Không!
- Thế thì ai bảo ngươi xoáy của kẻ khác làm gì?
- Tại tôi đói quá.
- Đói không phải là một lý do để chiếm đoạt của kẻ khác.
- Chính thế! Lần sau tôi không dám vậy nữa.
Trong lúc ấy câu chuyện bị cắt đứt vì có tiếng động nhè nhẹ gần đấy.
Đó là bác nhà quê, chủ cánh đồng, đang rón rén đi đến xem thử ban đêm có con chồn nào bắt gà bị sa bẫy không! Nhưng bác ta hết sức ngạc nhiên, khi lấy cây đèn dấu trong áo tơi ra để soi, thì không phải là một con chồn mà một thằnh ranh con.
Bác nỗi giận nói:
- Đồ quân ăn trộm! Chính mày đã bắt gà của tao phải không?
- Tôi à? Không phải đâu!
Bích nô cô vừa đáp, vừa khóc. Tôi chỉ đến đây để hái một vài chùm nho mà thôi.
- Đứa nào trộm nho được thì cũng trộm gà được. Tao sẽ cho mày một bài học để mày có thể nhớ suốt đời.
Ông ta tháo bẫy ra, chụp cổ Bích nô cô đem về như xách một con cừu vậy.
Khi đi đến trước vựa lúa, ông ta ném Bích nô cô xuống đất, đạp một chân lên vai nó và nói:
- Bây giờ đã khuya mất rồi, tao đi ngủ đã, ngày mai rồi sẽ hay. Trong khi chờ đợi nên xử trí như thế nào, mày hãy tạm canh gác thay thế con chó của tao nó vừa chết trong ngày hôm nay.
Nói thế, ông tròng vào cổ nó một cái vòng lớn có gai nhọn bằng đồng và cột thật chặt để nó không thể nào tháo ra được.
Nơi chiếc vòng ấy có buộc một sợi xích dài và dây xích này lại đóng lên tường.
Bác nhà quê bảo nó:
- Đêm nay nếu trời mưa thì mày vào trong cái cũi gỗ này mà nằm. Trong cái cũi hiện còn nhiều rơm. Con chó của tao xưa nay vẫn ngủ ở đó. Nếu có trộm đến thì phải chống tay mà sủa nghe không?
Dặn dò xong, ông ta đóng cửa và khóa lại kỹ lưỡng, còn Thằng người gỗ thì nằm trước cửa thập tử nhất sinh vì nó vừa lạnh, vừa sợ, vừa đói. Thỉnh thoảng nó lại thử đưa tay ra tháo cái vòng đang siết lấy cổ nó. Nó rên rĩ:
- Thật tốt phúc cho mình chưa! Mình muốn làm một đứa liều lĩnh, một đứa ma cà bông, mình muốn đi theo quân vô lại, nhưng mình lại luôn luôn bị rủi ro. Nếu như mình là một đứa bé ngoan ngoản như bao nhiêu đứa trẻ khác, nếu mình can đảm đến trường học tập, nếu cứ ở mãi với ông bố thì bây giờ có đâu lại phải nằm ở giữa cánh đồng làm chó canh cửa cho một bác nhà quê! Nếu kiếp sau mà mình ra đời … Bây giờ thì chậm mất rồi. mình phải kiên nhẫn mà chịu đựng.
Sau những lời rên rĩ suốt tự thâm tâm của nó, nó lại chun vào trong cũi chó mà ngủ.
Chương 22
Bích nô cô khám phá ra bọn trộm nên được tha.
Nó ngủ ngon lành như thế đã được hơn hai tiếng đồng hồ, thì khoảng nửa đêm, nó thức giấc và nghe có tiếng thì thầm nho nhỏ, những tiếng là lạ ở cạnh vựa lúa.
Bích nô cô đưa mũi ra ngoài cửa thì trông thấy bốn con vật lông đen sẫm giống như bốn con mèo đang họp hội nghị.
Nhưng không phải là mèo, mà là những con chồn, một loài thú ăn thịt, thích xực trứng gà và thịt gà non.
Một con chồn tách riêng ra khỏi mấy con kia để đi đến cũi chó và hạ thấp giọng nói:
- Chào bác Mê nê la.
Thằng người gỗ đáp:
- Tao không phải là Mê nê la.
- Thế ngươi là ai.
- Tao là Bích nô cô.
- Bác làm gì ở đây?
- Tao làm chó để giữ nhà.
- Thế thì Mê nê la đâu rồi? Con chó hiền lành thường nằm ở đây để giữ nhà đâu rồi?
- Nó vừa chết sáng mai này.
- Chết! Tội nghiệp chưa! Thật là một con chó hiền lành. Còn bác, trông diện mạo của bác, chắc bác cũng là một con chó đáng khen đó!
- Xin lỗi! tao không phải là chó!
- Thế bác là ai?
- Tao là một thằng người gỗ.
- Và bác làm chó để giữ nhà phải kkhông?
- Vì người ta muốn trừng phạt tao.
- Thế thì tốt lắm! Tôi thỏa thuận với bác điều này cũng như tôi đã thỏa thuận với Mê nê la ngày trước. Chắc bác không có điều gì đến nỗi phải phàn nàn đâu!
- Thỏa thuận về việc gì thế?
- Cứ như mấy lần trước, mỗi tuần tôi đến đây một lần để viếng cái chuồng gà này. Chúng tôi bắt tám con thì chỉ ăn có bảy, còn một để phần bác. Lẽ cố nhiên là bác phải giả vờ ngủ, và đừng sủa để đánh thức lão nhà quê dậy....